Thứ năm, Ngày 9 Tháng 5 Năm 2024

Sản phẩm OCOP

Gửi Email In trang Lưu
Xín Mần đưa sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch điện tử

17/03/2022 07:34

Trước tình hình tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và các sản phẩm OCOP còn gặp nhiều khó khăn trong thời điểm dịch, bệnh Covid-19 còn diễn ra phức tạp, ngành chức năng huyện Xín Mần đang nỗ lực chuyển đổi số đưa sản phẩm OCOP lên các sàn giao dịch điện tử.

Các sản phẩm OCOP của huyện Xín Mần được quảng bá và tiêu thụ trên trang thương mại điện tử.

Hợp tác xã (HTX) Thương mại - Vận tải Tuấn Băng (xã Nà Chì) được thành lập năm 2006. Sau khi đi vào hoạt động, HTX đã xây dựng được các vùng chè đạt tiêu chuẩn hữu cơ với diện tích hơn 674 ha, với các sản phẩm chè gồm: Tuấn Băng trà, Lộc Trà thiên nhiên, Hồng trà… Hàng năm, HTX kết hợp đưa các khách hàng đối tác đi thăm vùng chè Shan tuyết cổ thụ trên địa bàn các xã Nà Chì, Khuôn Lùng và Quảng Nguyên. Không ngừng mở rộng quy mô và đa dạng về sản phẩm, HTX đặc biệt chú trọng sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, cùng với đó chú trọng quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Anh Phan Thanh Tuấn, Giám đốc HTX cho biết: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Trong năm 2021, doanh thu của HTX đã bị giảm xuống đáng kể. Vì vậy, việc đưa các sản phẩm nông sản lên sàn giao dịch điện tử là cơ hội để các doanh nghiệp, HTX tham gia giới thiệu bán các sản phẩm do cơ sở mình sản xuất. Qua đó, giúp quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương đến nhiều người hơn.

Nông sản sạch Xín Mần sẽ triển khai gắn mã số, mã vạch truy xuất nguồn gốc và đưa lên sàn giao dịch điện tử. Ảnh: Văn Long

Cùng với sản phẩm chè của HTX Thương mại - Vận tải Tuấn Băng, một số sản phẩm OCOP của huyện như: Chè Chế Là, Chè Tuấn Băng, Trà Khổ qua rừng, Mật ong Thảo quả… cũng đã được ngành chuyên môn của huyện quảng bá và tiêu thụ trên sàn giao dịch điện tử. Đồng chí Cháng Văn Kinh, Quyền Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Xín Mần cho biết: Bước đầu huyện đưa một số sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử như: AutoAgri.vn, Voso.vn; Portmart.vn. Với mục tiêu nâng cao năng lực hoạt động, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm nông sản của các doanh nghiệp, HTX. Đồng thời, từng bước triển khai có hiệu quả tiêu thụ sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP và các nhiệm vụ phát triển kinh tế số. Từ đó, nâng cao chất lượng và hiệu quả của các dịch vụ bán hàng trực tuyến, đáp ứng nhu cầu thực tế người tiêu dùng, phục vụ người dân và doanh nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT - XH của huyện. Trên cơ sở đó, để đáp ứng yêu cầu của thị trường, Phòng Nông nghiệp chỉ đạo các chủ thể sản phẩm OCOP cải tiến công nghệ chế biến, quan tâm, chú trọng đến mẫu mã và chất lượng sản phẩm.

Hiện tại, huyện Xín Mần có 17 sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm OCOP đạt 4 sao. Trước thực trạng dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường, việc triển khai các hoạt động bán hàng thông qua trang thương mại điện tử được xem là xu hướng tất yếu, đảm bảo cho sản phẩm lưu thông ổn định hơn… Tuy nhiên, đây vẫn đang là hình thức mới đối với người dân, HTX trên địa bàn nên việc tiếp cận, quảng bá còn gặp nhiều hạn chế và thách thức đối với địa phương. Vì vậy, bên cạnh kênh kinh doanh truyền thống, thì cần phải thay đổi tư duy sản xuất bắt kịp với nhu cầu thị trường, trong đó khâu bán hàng, quảng bá sản phẩm trên không gian mạng luôn được quan tâm và đặt lên hàng đầu. Thời gian tới, huyện sẽ liên kết, hợp tác với Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh (Đại học Thái Nguyên) trong việc cải tiến mẫu mã các loại sản phẩm OCOP, đồng thời tiến hành tập huấn, bồi dưỡng cho các chủ thể OCOP để đưa sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện Xín Mần đề ra. Để thực hiện mang lại hiệu quả, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó các chủ thể OCOP và tư duy sản xuất của người dân đóng vai trò quan trọng. Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần, Ngô Văn Tăng chia sẻ: Huyện đang phối hợp với các sàn giao dịch để đưa các sản phẩm OCOP giới thiệu và bày bán. Huyện đã thành lập tổ giúp việc, giao đầu mối là Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện và Phòng Văn hóa để triển khai thực hiện. Phối hợp với Công ty Cổ phần công nghệ phần mềm AutoAgri (Hà Nội) xây dựng và cập nhật đầy đủ các thông tin sản phẩm OCOP trên phần mềm AutoAgri, đảm bảo cho việc truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa và quản lý vùng nguyên liệu. Đồng thời, xây dựng kế hoạch thực hiện, chủ động phối hợp với các Ban quản trị để kiến nghị phương án sắp xếp, bố trí, cách thức tìm kiếm tại các trang thương mại điện tử một cách dễ dàng, thuận tiện đối với các sản phẩm đặc trưng địa phương.

Có thể nói, kinh tế số đang ngày càng được phổ biến và lựa chọn thông minh của các doanh nghiệp, HTX mở rộng thị trường trong bối cảnh dịch bệnh nhiều khó khăn. Bởi, trên các trang thương mại điện tử luôn thu hút lượng lớn khách hàng truy cập, tìm kiếm và lựa chọn các sản phẩm. Việc gia nhập các sàn giao dịch điện tử giúp các sản phẩm OCOP của huyện Xín Mần đến gần hơn với người tiêu dùng, góp phần từng bước thực hiện thành công chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp mà cấp ủy, chính quyền huyện Xín Mần đề ra.

Báo Hà Giang

Tin khác

Hà Giang có 40 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao năm 2021 (06/01/2022 08:00)

Hà Giang bổ sung thêm 5 sản phẩm OCOP trong năm 2020 (25/02/2021 13:51)

Năm 2020: Hà Giang thêm 68 sản phẩm OCOP đạt 3 sao (26/12/2020 08:48)

Hà Giang đưa Cam và các sản phẩm OCOP đến với hội chợ nông nghiệp tỉnh Hà Tĩnh (18/12/2020 17:17)

Hoàng Su Phì tổ chức đánh giá, phân hạng 08 sản phẩm Ocop đợt 2, lần 2 năm 2020 (23/10/2020 15:49)

"Chắp cánh" cho sản phẩm mật ong Thảo quả (29/10/2019 10:21)

Độc đáo Mật ong Hoa Xuyến Chi Quản Bạ (29/10/2019 10:16)

Bắc Mê nâng cao chất lượng sản phẩm tinh bột nghệ (29/10/2019 10:01)

Trà Khổ qua rừng - đặc sản phía Tây Xín Mần (10/10/2019 14:32)

Giới thiệu về đặc sản Hà Giang (23/09/2019 15:31)