Thứ bảy, Ngày 20 Tháng 4 Năm 2024

Mật ong bạc hà Hà Giang

Phát triển bền vững nghề nuôi ong ở Mèo Vạc

22/01/2019 10:36

Nghề nuôi ong lâu nay đã trở thành sinh kế giúp người dân Mèo Vạc từng bước vươn lên thoát nghèo. Địa phương cũng xác định phát triển đàn ong là một trong những nội dung trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp; cùng với các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ của tỉnh, huyện đã tạo “đòn bẩy” để nghề nuôi ong có sự phát triển bền vững và giúp cho thương hiệu “Mật ong Bạc hà” vang danh khắp trong và ngoài nước.

 

 

Các sản phẩm chế biến từ mật ong Bạc hà của HTX Tuấn Dũng được thị trường ưa chuộng.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng và những người trực tiếp nuôi ong ở Mèo Vạc, ong là loài dễ nuôi, phù hợp với điều kiện của địa phương; nguồn vốn đầu tư nuôi ong không lớn nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao; kỹ thuật nuôi ong dễ học và thực hành. Đặc biệt, huyện có nguồn lao động dồi dào; nhiều gia đình có kinh nghiệm trong nghề nuôi ong; vùng nguyên liệu hoa Bạc hà phân bố rộng khắp diện tích đất canh tác, đất chưa sử dụng ở các khu vực núi đá trên địa bàn huyện và khu vực lân cận; sản phẩm mật ong Bạc hà có chất lượng tốt, giá trị kinh tế cao; sản phẩm đặc sản này mang tính đặc trưng của địa phương và đã được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý; đầu ra sản phẩm thuận lợi, được thị trường đánh giá cao.

 

 

Nghề nuôi ong giúp gia đình anh Hoàng Xuân Bách, thị trấn Mèo Vạc có cuộc sống ổn định.

Hiện trên địa bàn huyện có HTX Tuấn Dũng – đơn vị làm đầu mối sản xuất, cung ứng giống, tiêu thụ sản phẩm và là hạt nhân tạo liên kết trong chuỗi sản xuất – tiêu thụ sản phẩm mật ong Bạc hà. HTX được đăng ký chất lượng, bảo hộ tem, nhãn sản phẩm; bình quân mỗi vụ HTX có sản lượng mật chế biến và tiêu thụ khoảng 15 nghìn lít. Trong niên vụ năm nay, toàn huyện có khoảng 12 nghìn đàn ong, trong đó HTX Tuấn Dũng có khoảng 2.500 đàn; sản lượng mật toàn huyện ước đạt 72 nghìn lít. HTX có đội ngũ cộng tác viên kỹ thuật lành nghề, làm chủ quy trình công nghệ và có kinh nghiệm trong các khâu nhân giống, chăm sóc, khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Các sản phẩm từ mật ong được HTX quan tâm đa dạng hóa, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Hiện HTX đầu tư dây chuyền hạ thủy phần, nâng cao chất lượng mật ong; chế biến các sản phẩm: Mật ong Bạc hà, phấn hoa Bạc hà, mật ong Bạc hà ngâm tinh bột nghệ, sữa ong Chúa…

Đồng chí Ma Quốc Trưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết, mặc dù nghề nuôi ong đã mang lại hiệu quả kinh tế, giúp nhiều gia đình có thu nhập khá, nhưng trên thực tế hiện nay vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế; nhiều hộ thiếu vốn đầu tư sản xuất và kinh doanh nên quy mô nhỏ, sản lượng mật đạt thấp; người dân chưa mạnh dạn tiếp cận các nguồn vốn hỗ trợ; các hộ chăn nuôi ong còn mang tính tự phát, thiếu sự liên kết; công tác kiểm tra, giám sát nguồn gốc giống ong và chất lượng sản phẩm mật chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến tình trạng dịch bệnh trên đàn ong còn xảy ra, mật ong đôi lúc còn kém chất lượng; năng suất, sản lượng mật thu hoạch đạt thấp, phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết; việc đa dạng hóa các sản phẩm từ ong chưa được khai thác triệt để; việc chăn nuôi ong tạo thu nhập mới phổ biến ở các hộ có điều kiện kinh tế khá; các hộ nghèo, cận nghèo hạn chế trong việc tiếp cận nghề nuôi ong; nhiều hộ nuôi ong theo phương pháp truyền thống nên năng suất thấp, hiệu quả chưa cao…

Để phát triển bền vững nghề nuôi ong, phấn đấu đến năm 2020, tổng đàn ong của huyện đạt 20 nghìn đàn; sản lượng mật thu hoạch đạt khoảng 100 nghìn lít; 90% số hộ nuôi ong trên địa bàn tham gia Hội nuôi ong; huyện Mèo Vạc đang triển khai quy hoạch vùng phát triển nguyên liệu cây hoa Bạc hà, tập trung tại các xã núi đá; thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật di chuyển đàn; tận dụng tối đa nguồn mật ở các mùa vụ nhằm bảo tồn và phát triển đàn ong đến thời vụ khai thác mật chính (tháng 11 đến tháng 12 hàng năm); tăng cường quản lý, giám sát dịch bệnh trên đàn ong; mở các lớp đào tạo, tập huấn cho các bộ khuyến nông và các hộ nuôi ong nắm vững kỹ thuật chăn nuôi và áp dụng hiệu quả vào trong sản xuất; tập trung quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm gắn với tăng cường giám sát chất lượng mật ong; xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm mật ong Bạc hà nhằm tạo liên kết từ khâu chăn nuôi đến tiêu thụ, từ người nuôi ong - HTX Tuấn Dũng – hệ thống đại lý tiêu thụ - người tiêu dùng; tăng cường quản lý địa bàn, chủ động kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm về quản lý chất lượng sản phẩm, gây ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu sản phẩm mật ong Bạc hà…

 

 

Với những giải pháp vừa mang tính trước mắt, vừa lâu dài đang giúp Mèo Vạc phát triển bền vững nghề nuôi ong. Giá trị mang lại từ nghề này không chỉ tạo lực thúc đẩy KT – XH trên địa bàn mà hơn hết, đó là giúp cuộc sống của người dân miền đá ngày một ấm no.

 

Báo Hà Giang