Thứ ba, Ngày 30 Tháng 4 Năm 2024

Giới thiệu

Giới thiệu Chương trình OCOP tỉnh Hà Giang

23/10/2019 14:50

OCOP - Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Với quan điểm nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.

Tiến tới mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ du lịch có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị; Góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí Quốc gia về xã Nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; Đồng thời thông qua việc phát triển sản xuất tại địa bàn khu vực nông thôn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (hạn chế dân di cư ra thành phố), bảo vệ môi trường và gìn giữ, phát triển xã hội khu vực nông thôn Hà Giang theo hướng bền vững.

Mục tiêu đạt được trong giai đoạn 2018-2020 là phát triển các sản phẩm trong đó lựa chọn, hoàn thiện/nâng cấp 80-100 sản phẩm thế mạnh trong nông nghiệp và dịch vụ nông thôn hiện có của các địa phương; Phát triển mới 40-50 sản phẩm (tăng dần theo các năm tập trung vào đa dạng hóa, chế biến sâu các sản phẩm của chuỗi); cũng như công nhận/ chứng nhận 3 sản phẩm 5 sao cấp tỉnh, 2 sản phẩm 3-5 sao cấp quốc gia. Phát triển mới và củng cố các tổ chức kinh tế SX-KD sản phẩm OCOP và phát triển nâng cao nguồn nhân lực cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước trong hệ thống OCOP (tỉnh, huyện, xã), lãnh đạo các doanh nghiệp/HTX tham gia OCOP; nâng cao kỹ năng phân phối, tiếp thị cho đội ngũ nhân lực tham gia vào hệ thống xúc tiến và quảng bá sản phẩm OCOP.

Duy trì chu trình chuẩn OCOP thường niên, liên tục tại cấp tỉnh và cấp huyện, hàng năm mỗi huyện, thành phố có ít nhất 5 ý tưởng sản phẩm được hỗ trợ theo OCOP. Cùng với đó là phải xây dựng hoàn thiện thế thống quản lý, điều hành Chương trình OCOP nhất là hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy chuyên trách OCOP từ tỉnh đến huyện; ban hành các chính sách riêng cho Chương trình; có chế độ thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm OCOP; hoàn thiện các chu trình OCOP thường niên; Có một hệ thống hỗ trợ các cộng đồng trong tỉnh phát triển và thương mại hóa sản phẩm OCOP cùng với hệ thống xúc tiến đồng bộ, hoạt động bài bản, chuyên nghiệp góp phần Quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP Hà Giang được lan rộng và phổ biến trên toàn quốc.

Trong giai đoạn từ 2021-2030 có từ 700-900 sản phẩm OCOP ở thời điểm năm 2030; phát triển mới từ 100-150 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP, tạo ra 190-270 tổ chức kinh tế OCOP vào năm 2030...

Nguồn vốn thực hiện đề án OCOP tại tỉnh Hà Giang dự kiến khoảng 140 tỷ trong đó chủ yếu là nguồn xã hội hóa từ vốn của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tự huy động, nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng, nguồn vốn hỗ trợ của các nhà tài trợ Chương trình OCOP. Ngoài ra, nguồn vốn ngân sách sẽ hỗ trợ một phần, bao gồm Ngân sách hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, khuyến nông,  khuyến công, xúc tiến thương mại, khoa học công nghệ và các nguồn vốn lồng ghép trung ương và địa phương khác.

 

Thu Ngà - Ban biên tập ocop.hagiang.gov.vn