Thứ năm, Ngày 25 Tháng 4 Năm 2024

Mật ong bạc hà Hà Giang

Gửi Email In trang Lưu
Mật ong Bạc hà, một sản phẩm được chứng nhận Chỉ dẫn địa lý cần được bảo vệ

26/09/2019 08:01

Mật ong Bạc hà (MOBH) là tên gọi tắt của sản phẩm chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc” cho sản phẩm MOBH được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) từ 01/3/2013. MOBH sở dĩ có tên như vậy, bởi ong hút mật hoa từ cây Bạc hà trong vùng chỉ dẫn địa lý (4 huyện vùng cao phía Bắc Hà Giang). MOBH đặc sánh, màu sắc bắt mắt từ vàng đỏ đến vàng chanh và được truyền miệng có giá trị kháng khuẩn và chống ô xy hóa cao. Tuy nhiên đến nay mới chỉ có công bố về một số chỉ tiêu lý hóa như thành phần đường khử, thủy phần... của MOBH và chưa có cơ sở khoa học nào ở nước ta cũng như trên thế giới để minh chứng về vai trò y học của sản phẩm đặc sản này.

Sự khác biệt về giá trị y học và kinh tế giữa các loại mật ong là do 3 nhóm 1,2-dicarbonyl, flavonoid và phelonic axit để đánh giá giá trị y học cũng như khả năng kháng khuẩn của mật ong và sử dụng để truy xuất nguồn gốc mật ong đã được nghiên cứu và sử dụng phổ biến, hiệu quả ở nhiều nước có ngành ong phát triển trên thế giới nhưng chưa được nghiên cứu, công bố và áp dụng ở nước ta. Xác định hàm lượng các chất kháng khuẩn trong mật ong là giải pháp phù hợp, cấp bách để giải quyết các tồn tại trên nhằm duy trì, phát triển sản phẩm mật ong Việt Nam. Vì vậy việc thực hiện đề tài: “Nghiên cứu phân tích bổ sung chỉ tiêu chất lượng sản phẩm chỉ dẫn địa lý cho Mật ong bạc hà Cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang” là hết sức cần thiết và hoàn toàn khả thi nhằm đưa ra cơ sở để truy xuất nguồn gốc cũng như khẳng định tính ưu việt về vai trò y học đặc thù cho sản phẩm MOBH Cao nguyên đá Đồng Văn.

Gian lận thương mại trên thị trường mật ong đang là vấn đề toàn cầu, để tìm ra phương pháp truy xuất nguồn gốc mật ong không dễ vì bên cạnh những tác động của con người, hầu hết các loại mật ong trong mỗi mùa thu hoạch được ong thợ thu về từ nhiều loài hoa khác nhau, thêm vào đó chất lượng mật ong của cùng loại hoa còn phụ thuộc vào đặc thù địa lý, thời tiết nơi nguồn hoa phát triển, ra hoa và tiết mật cho ong. Gần đây, những tiến bộ trong kỹ thuật phân tích sử dụng các phương pháp và trang bị hiện đại đã mang lại các giải pháp hiệu quả giúp giảm thiểu gian lận thương mại mật ong. Trên thực tế, MOBH có giá bán cao hơn hẳn so với nhiều loại mật ong khác như mật ong hoa nhãn (MOR1), mật keo tai tượng (MOR2). Việc trộn (MOR2) có giá bán thấp hơn trên thị trường và có màu sắc giống MOBH vào MOBH nguyên chất hoặc cho đàn ong ăn loại mật này trong mùa khai thác MOBH để tăng lợi nhuận là rất khó tránh khỏi, khi pha trộn 2 loại mật này với tỷ lệ 20 - 30% không thể phân biệt bằng cảm quan giữa MOBH và MOR2. Hiện nay, MOBH đang được bán với giá cao trên thị trường của nước ta khoảng 400.000 - 500.000đ/lít, trong khi mật nhãn 100.000 - 150.000đ/lít, mật keo 30.000 - 40.000đ/lít. Tiêu chuẩn chất lượng MOBH là sản phẩm CDĐL mới chỉ tập trung vào chỉ tiêu dinh dưỡng (đường khử, đường đơn,...). Nếu chỉ tập trung vào các chỉ tiêu trên khó có thể xác định được giá trị đích thực của MOBH và xác định MOBH thật và MOBH giả.

Để phân biệt được sản phẩm MOBH với các loại mật ong khác, các nhà nghiên cứu đã thu thập mẫu MOBH từ 9 trại ong của 4huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc thuộc cao nguyên đá Đồng Văn, đồng thời thu thập thêm 3 mẫu mật ong rừng và các mẫu mật trộn theo tỷ lệ khác nhau, các mẫu được đựng trong lọ thủy tinh đậy nắp kín và bảo quản ở điều kiện nhiệt độ <0oC đến khi phân tích. Sử dụng hóa chất kháng khuẩn glyoxal (GO) và metyglyoxal (MGO) và các hóa chất khác như axit acetic, 4-nitro-1,2-phenylenediamine, Methanol dùng cho hệ thống sắc ký lỏng hiệu năng cao (HPLC),… để đánh giá khả năng kháng khuẩn của MOBH, trong mẫu MOBH được phân tích xác định hàm lượng bằng phương pháp UHPLC-PDA (ultra-high-performance liquid chromatographic-photodiode array) là phương pháp sắc ký hiệu năng cực cao, mỗi mẫu được phân tích lặp lại 3 lần tại Phòng thử nghiệm 1 thuộc Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert. Qua đó, xác định được MOBH có khả năng kháng khuẩn cao, hàm lượng trung bình các chất kháng khuẩn GO trong MOBH là 3,61mg/kg, tính kháng khuẩn MGO là 2,42mg/kg, trong khi hàm lượng các chất này trong mật ong Keo, Cam chanh và Bạch đàn đã được công bố trên thế giới chỉ có 0,7 - 1,10mg/kg; vòng kháng khuẩn với vi khuẩn kiểm định S.aureus của MOBH ở nồng độ 50% là 0,89 cm2 và của mật ong rừng ở nước ta với nồng độ 80% hoặc không xác định được hoặc chỉ có 0,04 cm2.

Về khả năng chống ô xy hóa của mật ong không chỉ dựa vào hàm lượng các chất thuộc nhóm flavonoids và phenolic axit có trong mật ong mà còn kết hợp với các phép thử về khả năng chống ô xy hóa tổng số của các loại mật ong khác nhau. Kết quả thu được, hàm lượng 9 chất chống ô xy hóa của MOBH thấp nhất, MOR2 có giá trị cao nhất (5,38 mg/kg mật ong), tiếp đến là MOR1 (3,86 mg/kg) và thấp nhất là MOBH (1,47 mg/kg). Trong các phép thử khả năng chống ô xy hóa tổng số, hàm Fe2+ trung bình được tạo thành cao nhất là MOR2 (1.002,13 mg/kg), tiếp đến là MOR1 (649,77 mg/kg) và thấp nhất là MOBH (147,60 mg/kg mật ong),… Kết quả phân tích về hàm lượng 3-PA, Fe2+ và phần trăm DPPH (1,1 diphenyl-2-picrylhydrazyl –radical-scavenging efect assay) là những chỉ thị được lựa chọn để phân biệt MOBH với MOR2 nguyên chất và MOBH nguyên chất với MOBH bị pha trộn với MOR2 ở các tỷ lệ khác nhau được sử dụng như các chỉ thị để truy xuất nguồn gốc MOBH...


Sản phẩm Mật ong Bạc hà Mèo Vạc - Hà Giang.

Kết quả nghiên cứu của đề tài có ý nghĩa thực tiễn cao về hiệu quả kinh tế và xã hội, các chỉ thị và các quy trình không những có thể đánh giá vai trò của y học mà còn là giải pháp nhằm duy trì chất lượng của MOBH; các chỉ thị và quy trình truy xuất nguồn gốc MOBH cũng là giải pháp ngăn chặn gian lận thương mại, giữ vững thương hiệu MOBH; quy chuẩn kỹ thuật về MOBH và cơ chế chính sách là giải pháp và chế tài để quản lý hiệu quả chất lượng MOBH. Như vậy giá trị kinh tế - xã hội mà kết quả của đề tài gián tiếp đem lại như: Bổ sung giá trị kháng khuẩn và chống oxy hóa đặc thù MOBH là cơ sở để duy trì và tăng giá bán, tăng đầu ra; các công cụ quản lý duy trì chất lượng và truy xuất nguồn gốc để giữ vững thương hiệu phát triển bền vững nghề nuôi ong tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, phát triển du lịch trên Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Trong thời gian tới, với quan điểm xây dựng, phát triển sản phẩm MOBH trở thành một sản phẩm “độc nhất vô nhị”, các sở, ban, ngành cần phối hợp chặt chẽ với các huyện, xây dựng kế hoạch quảng bá, giới thiệu sản phẩm MOBH; rà soát quy trình, kỹ thuật nuôi; làm rõ những ưu điểm, hạn chế, trên cơ sở đó ban hành hướng dẫn điều chỉnh, bổ sung để các huyện có căn cứ hướng dẫn chỉ đạo người dân thực hiện; đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh có chỉ đạo không đưa ong ngoại vào địa bàn vùng Chỉ dẫn địa lý, đồng thời hướng dẫn cách nhận biết MOBH bằng cảm quan và đặt hàng các thiết bị test nhanh chất lượng MOBH cho các doanh nghiệp, HTX, các điểm bán hàng MOBH,…/.

Nguồn: skhcn.hagiang.gov.vn

Tin khác

Mật ong Bình An, bước khởi đầu xây dựng sản phẩm OCOP (29/08/2019 16:07)

UBND tỉnh triển khai kế hoạch phát triển sản phẩm mật ong Bạc hà (08/08/2019 09:15)

Thào Mí Sử khởi nghiệp từ nuôi ong Bạc hà (15/07/2019 09:46)

Hà Giang nâng cao chất lượng, giá trị “vàng lỏng” trên Cao nguyên đá Đồng Văn (27/06/2019 16:17)

Nâng tầm thương hiệu mật ong Bạc hà Cao nguyên đá (21/05/2019 10:31)

Phát triển bền vững nghề nuôi ong ở Mèo Vạc (22/01/2019 10:36)