Thứ sáu, Ngày 26 Tháng 4 Năm 2024

Mật ong bạc hà Hà Giang

Gửi Email In trang Lưu
Huyện Mèo Vạc phát triển đàn ong gắn với mở rộng diện tích hoa Bạc Hà

10/10/2019 16:17

Những năm qua, nuôi ong khai thác mật là một nghề truyền thống có từ lâu đời của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Mèo Vạc. Ngoài những cây trồng và vật nuôi thế mạnh, nghề nuôi ong lấy mật đã mang lại nguồn thu nhập lớn, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc nơi đây, để đảm bảo cho việc phát triển đàn ong, những năm qua, huyện Mèo Vạc luôn quan tâm chỉ đạo xây dựng vùng nguyên liệu, đó là mở rộng diện tích cây hoa Bạc hà phục vụ đáp ứng cho nghề nuôi ong.

 

Với diện tích trên 3.000ha hoa Bạc hà tạo điều kiện để nhiều hộ dân mở rộng quy mô nuôi ong lấy mật.

Tới thăm gia đình anh Sùng Mí Nô là một trong nhiều hộ nuôi ong lấy mật có truyền thống nhiều năm nay ở thôn Sủng Pờ A, xã Sủng Trà, hàng năm thì gia đình anh nuôi khoảng 20 đàn ong, thu về khoảng 100 lít mật, giá bán bình quân 500 nghìn đồng/lít, thu nhập khoảng 50 triệu đồng. Để việc phát triển đàn ong một cách bền vững, anh rất quan tâm đến việc bảo vệ và phát triển diện tích cây hoa bạc hà để phục vụ cho việc lấy mật của đàn ong. Sủng Trà là xã có diện tích hoa bạc hà lớn nhất của huyện Mèo Vạc với khoảng 30 ha, hàng năm cứ sau mỗi vụ thu hoạch ngô thì cây hoa Bạc hà mọc lên tạo điều kiện thuận lợi cho việc nuôi ong lấy mật của người dân. Với khoảng 1.800 đàn ong mỗi vụ, thì nhu cầu lấy mật là rất lớn, vì vậy cấp ủy, chính quyền xã Sủng Trà rất quan tâm đến công tác chỉ đạo, đồng thời tích cực tuyên truyền đến người dân phải bảo vệ và phát triển diện tích cây hoa bạc hà, không được sử dụng thuốc diệt cỏ làm ảnh hưởng đến diện tích hoa bạc hà, đưa vào quy ước, hương ước thôn bản để thực hiện.

Đối với Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng với hơn 10 thành viên, những năm qua, vùng với việc quảng bá, giới thiệu về sản phẩm mật ong bạc hà, HTX rất quan tâm chú trọng đến vùng nguyên liệu đó là diện tích cây hoa bạc hà để đáp ứng cho nhu cầu nuôi ong lấy mật, với hơn 1.500 đàn ong nuôi mỗi vụ, nhu cầu lấy mật của ong là rất lớn do đó mà HTX thường xuyên liên kết với các hộ dân có diện tích hoa bạc hà để phát triển nuôi ong, đồng thời rất quan tâm đến chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm mật ong bạc hà. Từ lâu, sản phẩm mật ong Bạc hà đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến với chất lượng mật cao, kỹ thuật nuôi ong theo phương pháp truyền thống gần như trong môi trường tự nhiên, nguồn mật chủ yếu được ong lấy từ hoa của cây Bạc hà tự nhiên chỉ có trên vùng Cao nguyên đá Đồng Văn. Năm 2013, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc” cho sản phẩm mật ong Bạc hà của tỉnh Hà Giang nói chung, huyện Mèo Vạc nói riêng. Do đó, sản phẩm mật ong Bạc hà đã khẳng định được vị thế vững chắc đối với người tiêu dùng, nghề nuôi ong đã trở thành định hướng sản xuất hàng hóa của vùng, giúp xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho người dân. Để phát triển sản phẩm mật ong bạc hà thực sự trở thành hàng hóa, có chất lượng tốt, mang lại giá trị kinh tế cao, là sản phẩm đặc sản mang tính đặc trưng của địa phương, Phòng NN&PTNT huyện đã tham mưu cho huyện ban hành kế hoạch phát triển sản phẩm mật ong bạc hà mang chỉ dẫn địa lý Mèo Vạc, bên cạnh đó quan tâm đến vùng nguyên liệu hoa bạc hà, hiện toàn huyện diện tích hoa bạc hà phân bố rộng khắp ở toàn bộ diện tích đất canh tác ở 13/18 xã, thị trấn với diện tích hơn 3.000 ha.

Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc” cho sản phẩm mật ong bạc hà trên địa bàn huyện, phòng NN&PTNT huyện Mèo Vạc đã tham mưu cho huyện để tổ chức lại sản xuất cho người nuôi ong tham gia vào các nhóm sở thích, HTX, thu hút các doanh nghiệp, HTX làm đầu mối thu mua, phân phối và tiêu thụ sản phẩm, nâng sức cạnh tranh, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm được ổn định, bền vững. Cùng với những chính sách hỗ trợ, nghề nuôi ong của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hà Giang dần chuyển từ hình thức chăn nuôi tự phát, nhỏ lẻ sang nuôi ong tập trung với qui mô lớn; từ đó đã hình thành các doanh nghiệp, các HTX phát triển nuôi ong khai thác mật; điển hình như HTX Tuấn Dũng, HTX Hoàng Điệp, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng… Để việc bảo tồn và phát triển ổn định đàn ong nội tại các xã, thị trấn được cấp ủy, chính quyền địa phương rất quan tâm, với mục tiêu phát triển khoảng 17 nghìn đàn ong trong năm 2019, và 20 nghìn đàn ong trong năm 2020.

Để thương hiệu mật ong Bạc hà Mèo Vạc thực sự giữ được uy tín và phát triển bền vững, huyện Mèo Vạc tiếp tục chỉ đạo cùng với việc phát triển đàn ong nội gắn với quy hoạch vùng phát triển nguyên liệu cây hoa Bạc hà. Đồng thời, có chính sách khuyến khích mở rộng diện tích đất chưa sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả để trồng hoa Bạc hà và có cơ chế, chính sách hỗ trợ các hộ dân có diện tích hoa Bạc hà được hưởng lợi từ việc nuôi ong. Góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm mật ong Bạc hà, đồng thời thúc đẩy nghề nuôi ong của tỉnh Hà Giang nói chung và nuôi ong mật ong Bạc hà huyện Mèo Vạc nói riêng không ngừng được phát triển.

hagiang.gov.vn

Tin khác

MẬT ONG BẠC HÀ (26/09/2019 15:20)

Mật ong Bạc hà, một sản phẩm được chứng nhận Chỉ dẫn địa lý cần được bảo vệ (26/09/2019 08:01)

Mật ong Bình An, bước khởi đầu xây dựng sản phẩm OCOP (29/08/2019 16:07)

UBND tỉnh triển khai kế hoạch phát triển sản phẩm mật ong Bạc hà (08/08/2019 09:15)

Thào Mí Sử khởi nghiệp từ nuôi ong Bạc hà (15/07/2019 09:46)

Hà Giang nâng cao chất lượng, giá trị “vàng lỏng” trên Cao nguyên đá Đồng Văn (27/06/2019 16:17)

Nâng tầm thương hiệu mật ong Bạc hà Cao nguyên đá (21/05/2019 10:31)

Phát triển bền vững nghề nuôi ong ở Mèo Vạc (22/01/2019 10:36)