Thứ bảy, Ngày 27 Tháng 4 Năm 2024

Mật ong bạc hà Hà Giang

Gửi Email In trang Lưu
Thào Mí Sử khởi nghiệp từ nuôi ong Bạc hà

15/07/2019 09:46

Thào Mí Sử tri thức trẻ thuộc Đề án 07 hiện đang là cán bộ phụ trách mảng Nông thôn mới của xã Lũng Táo (Đồng Văn). Sinh ra và lớn lên tại thôn Lũng Táo, xã Lũng Táo, với tuổi trẻ năng động, dám nghĩ, dám làm, anh Sử đã mạnh dạn khởi nghiệp bằng việc bắt tay vào nuôi ong Bạc hà. Anh là người đã thắp lên ngọn lửa khởi nghiệp cho rất nhiều thanh niên trong xã, đặc biệt là thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Anh Thào Mí Sử kiểm tra đàn ong mật.

Năm 2015, nhận thấy nguồn hoa Bạc hà tại nhiều thôn của xã dồi dào, anh Sử đã nghĩ đến việc tận dụng nguồn nguyên liệu này. Dùng tất cả vốn liếng tích cóp, anh Sử mua 110 đàn ong và đặt tại thôn Lũng Táo. Năm đầu tiên, vừa hoàn thành nhiệm vụ của một cán bộ xã, lại phải dành thời gian chăm sóc đàn ong. Do chưa có nhiều kinh nghiệm, anh gặp vô vàn khó khăn từ cách chăm sóc, đến dưỡng đàn… Anh Sử chia sẻ: “Chỉ có một mình quay cuồng giữa công việc của xã và chăm đàn ong, lại chưa có kinh nghiệm nên mùa mật đầu tiên, hầu như tôi không thu được gì”.

Trước khó khăn đó, anh Sử đã tích cực học hỏi từ những người đi trước; đồng thời, lãnh đạo xã cũng giúp đỡ, tạo điều kiện cho anh đi học các lớp tập huấn về nuôi ong Bạc hà; cử cán bộ nông nghiệp hỗ trợ. Đến nay, anh Sử duy trì từ 130 – 150 đàn, tùy theo lượng hoa Bạc hà mỗi năm. Với sự phát triển ổn định của đàn ong, mỗi năm anh Sử thu về trên 300 lít mật, đem lại thu nhập trên 130 triệu đồng. Anh Sử cho biết, mùa hoa rừng, anh chỉ dưỡng đàn, không lấy mật, tập trung toàn bộ cho mùa hoa Bạc hà. Có những thời điểm mật không đủ cung cấp do nhu cầu mua khá lớn; mỗi khi vào mùa quay mật, anh Sử thuê thêm người trông nom đàn ong.

Bước vào năm thứ 5, anh Sử đã có nhiều kinh nghiệm trong cách chăm sóc đàn; tuy nhiên, theo anh Sử, khó khăn chung của người nuôi ong Bạc hà hiện giờ đó là vấn đề liên quan đến chất lượng mật. Hiện, thị trường tiêu thụ mật ong Bạc hà khá rộng mở, những giá cả bị cạnh tranh do thị trường mật bị trà trộn các loại mật không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. Vì vậy, việc quản lý và kiểm soát chất lượng mật ong Bạc hà là vấn đề cần thiết để tạo môi trường lành mạnh, mở ra nhiều cơ hội hơn, thúc đẩy phát triển sản phẩm sạch.

Anh Sử cho biết: “Nguồn hoa Bạc hà là yếu tố chính quyết định địa điểm đặt đàn ong và chất lượng mật. Trước khi tìm được nơi có nguồn chất lượng hơn, tôi sẽ vẫn duy trì số lượng đàn như vậy tại thôn Lũng Táo. Với tôi, chất lượng mật ong phải được đặt lên hàng lên đầu”. Có lẽ với những suy nghĩ đó nên nhiều năm nay, mật ong của Thào Mí Sử trở thành thương hiệu được bà con trong xã, cũng như trong huyện đều biết đến.

 

Được đánh giá là “cánh chim đầu đàn” cho phong trào khởi nghiệp của xã Lũng Táo, anh Thào Mí Sử không chỉ là cán bộ xã mẫu mực mà còn là người định hướng cho thanh niên trong thôn, mạnh dạn vay vốn chăn nuôi, trồng cây ăn quả, phát triển kinh tế.

 

Báo Hà Giang

Tin khác

Hà Giang nâng cao chất lượng, giá trị “vàng lỏng” trên Cao nguyên đá Đồng Văn (27/06/2019 16:17)

Nâng tầm thương hiệu mật ong Bạc hà Cao nguyên đá (21/05/2019 10:31)

Phát triển bền vững nghề nuôi ong ở Mèo Vạc (22/01/2019 10:36)